Skip to main content

SBTN-DC

Phát Triển Xã Hội Dân Sự tại Việt Nam

Vai Trò Xây Dựng Xã Hội Từ Nhân Dân

Ông Bà chúng ta có câu “Phép vua thua lệ làng.” Lời nói đó cho thấy rõ sự thành hình và bành trướng của xã hội dân sự (XHDS) có từ muôn thuở tại Việt Nam cũng như ở các nước trên thế giới. Khi người dân thấy có một nhu cầu gì cần thiết thì chính họ tự tìm phương cách để giải quyết vấn đề và đưa ra cứu cánh để có kết quả thực tiễn.

Những sáng kiến và công tác của người dân đem lại lợi nhuận cho cá nhân họ, gia đình họ, và cho tập thể trong xã hội mà họ đang chung sống để tất cả được hưởng lợi ích chung. Họ hội họp lại, bàn luận, góp sức lực để hợp tác, chia sẻ ý kiến, và thiết kế chương trình theo khuôn khổ pháp định công khai, minh bạch, rồi thực hiện những công tác cần thiết cho đến khi nào họ đạt đến kết quả mong muốn theo mục tiêu và sứ mạng đã vạch ra.

Họ tổ chức một nhóm người cùng có một chí hướng để tìm phương tiện thực hiện những chương trình tự họ trù tính, với tinh thần tự nguyện, bất vụ lợi của một số người hoàn toàn độc lập, tách biệt ra không dính líu gì với các công chức của một chánh quyền nào.

Nếu họ thành lập một nhóm có khả năng tổ chức quy củ, thì có thể gọi họ là một hội phi chánh phủ (non-governmental organization - NGO), một hội tư nhân, một hội thiện nguyện hay hội tương tế. Họ có thể bành trướng hoạt động của họ trên nhiều phương diện và thành lập những hội đồng hương, hội giáo dục, hội hướng đạo, hay hội đoàn tôn giáo theo khuôn khổ pháp trị. Họ điều hành qua tinh thần tự nguyện, phần đông được đào tạo và khích lệ bởi các tổ chức tôn giáo hay văn hóa xã hội.

Ông Trần Hữu Quang, trong bài đăng trên Tạp chí Khoa học Xã hội năm 2009, tóm tắt bốn khái niệm XHDS được thay đổi quan điểm về các mối quan hệ giữa các lãnh vực chánh trị, kinh tế và xã hội. Ông nói nhà chánh trị người Anh Thomas Hobbes là người đầu tiên sử dụng thuật ngữ XHDS (societas civilis) đối lập với “tình trạng tự nhiên” trong quyển De Cive xuất bản năm 1649. [1]

Vậy thì vào thế kỷ XVI-XVIII, Hobbes, cùng với John Locke và Jean Jacques Rousseau đồng hóa XHDS với nhà nước/quốc gia. Qua thế kỷ XVIII-XIX, cũng theo ông Quang, thì Bernard Mandeville, Adam Ferguson và Adam Smith cho quan niệm XHDS là xã hội thị trường. Sau đó XHDS được coi như là xã hội tư sản với Georg Hegel, Karl Marx, Friedrich Engels và Antonio Gramsci vào thế kỹ XIX-XX. Qua đến thế kỷ XXI, những chuyển hóa về nội dung ý niệm XHDS phản ảnh những hoàn cảnh cụ thể còn tồn tại được đến ngày nay như thế nào? Trong năm 2006, Louis Juste cho là “nó biểu hiện tình hình đấu tranh xã hội diễn ra trong những thời cơ nhứt định.” [2]

Tóm lại, XHDS cấu thành từ các tổ chức xã hội và dân sự tự nguyện tạo cơ sở để tự vận hành, khác vơi các cơ cấu quyền lực của nhà nước và các thể chế thương mại của thị trường. Có ba mẫu XHDS: 1) cứu tế cho nạn nhân chiến tranh hay tai hoạ gây ra, 2) phát triển thể chế xã hội, kinh tế, văn hóa và giáo dục, và 3) bành trướng các sinh hoạt xã hội (social action) tăng quyền lợi cá nhân và phát triển ý thức hệ trong cộng đồng. Như thế mọi hoạt động bất vụ lợi cũng cần có phương tiện cụ thể, tiền bạc và cơ sở để sinh hoạt.

Trung tâm XHDS của Trường đại học kinh tế London định nghĩa XHDS như sau:

“XHDS đề cập tới các hoạt động tập thể tự nguyện xung quanh các giá trị, mục tiêu, ý thức chung. Về lý thuyết, các hình thái tổ chức XHDS khác biệt hẳn với các hình thái tổ chức nhà nước, gia đình và thị trường. Nhưng trong thực tế thì ranh giới giữa nhà nước, xã hội, gia đình và thị trường là khá lẫn lộn, mập mờ và không rõ ràng. XHDS thường bao gồm một sự đa dạng về phạm vi hoạt động, các thành viên tham gia và các hình thái tổ chức khác nhau về mức độ nghi lễ, tự do và quyền lực. XHDS thường được hình thành dưới dạng các hội từ thiện, các hiệp hội, các công đoàn, các nhóm tương trợ, các phong trào xã hội, các hiệp hội kinh doanh, các liên minh, và các đoàn luật sư.” [3]

Xã Hội Dân Sự Toàn Cầu

Sự phát triển của thể chế XHDS trong những quốc gia Âu Châu từ cuối thập niên 1990 đã đem lại sự hình thành của Phong Trào Tân Xã Hội (New Social Movement.) Nó trở thành một khối quản trị thứ ba xây dựng thế lực toàn cầu không ranh giới, có tính cách chánh trị, sinh hoạt tranh đấu về ý thức hệ như chống bạo hành gia đình và công lực, chống đàn áp tôn giáo, chống áp đảo truyền thông báo chí, chống nạn buôn người hay bảo vệ môi trường. Những phong trào đó tạo thành Xã Hội Chánh Trị làm môi giới giữa nhà nước và dân chúng. [4]

Khái niệm XHDS mới chỉ được phổ biến rộng rãi trong vòng mấy chục năm gần đây vào thế kỷ XX, nhưng vào đầu thế kỷ XXI sinh hoạt đa dạng của XHDS được phổ biến rộng lớn trên khắp thế giới. Trường hợp cụ thể của Hội Hồng Thập Tự Quốc Tế đặt trụ sở chính tại Genève, Thụy Sĩ, được thiết lập trên 150 năm, phối hợp với các chi nhánh của từng quốc gia sở tại. Rotary Club có chi nhánh làm thiện nguyện khắp năm châu cũng ăn mừng 150 tuổi.

Những tổ chức bênh vực nhân quyền như Ân Xá Quốc Tế (Amnesty International), Theo Dõi Nhân Quyền (Human Rights Watch), Bác Sĩ Không Biên Giới (Médecins Sans Frontière), Ký Giả Không Biên Giới (Reporteurs Sans Frontieres), Bảo Vệ Môi Sinh (Green Peace) và Minh Bạch Quốc Tế (Transparency International) cũng như các tổ chức tôn giáo, y tế xã hội, văn hóa giáo dục, hoạt động trên toàn cầu, được quần chúng ưa chuộng hơn cơ quan nhà nước hay cơ sở thương mại. [5]

Như Hội Hướng Đạo có trụ sở chính tại London, Anh quốc, là một phong trào hướng dẫn sinh hoạt lành mạnh cho giới thanh thiếu niên khắp thế giới. Như tại Ấn Độ có từ 1 đến 2 triệu tổ chức lớn và nhỏ hoạt động từ thiện, còn ở bên Nga Sô thì cũng có đến 277.000 XHDS, phần đông do nhà cầm quyền Nga Sô thống trị.

Ngoài ra, vai trò trong giới đại học (academia) và các cơ quan chuyên nghiệp về kỹ thuật, khoa học, giáo dục, y tế, những đóng góp sáng kiến thực tiễn có ảnh hưởng trong giới trí thức cũng như trong quần chúng sâu rộng. Tuy nhiên, không cần phải là một tổ chức quy mô với tài chánh dồi dào mới có thể hoạt động được. Những tổ chức nhỏ với ngân sách eo hẹp cũng hoạt động khá hiệu quả với tầm vóc quan trọng.

Riêng tại Hoa Kỳ, thống kê cho thấy Foundation Center gồm 11 cơ quan tài trợ cho 1 triệu tổ chức vô vị lợi và trên 3 triệu nhóm nhỏ hoạt động tự nguyện để phục vụ công ích. Các tổ chức nầy có hơn 60% phát xuất từ các tôn giáo, phản ảnh tinh thần phục vụ hy sinh rất cao, so về số nhân viên thiện nguyện làm việc cho các tổ chức nầy. Tuy vậy, có những nhân viên các tổ chức XHDS được trả lương cao với quyền lợi đãi ngộ được bảo đảm không thua các công chức nhà nước hay công ti xí nghiệp.

Như Hội AARP, với 6 triệu thành viên người hưu trí (American Association of Retired Persons) có ngân sách $640 triệu và thuê cả ngàn nhân viên làm việc trong những văn phòng toàn quốc ở Hoa Kỳ. Họ cũng trả tiền cho nhiều nhân viên đi vận động (lobby) trên quốc hội để bênh vực quyền lợi cho người từ 50 tuổi trở lên. [6]

Thống kê cũng cho biết người Mỹ đã chi ra 250 tỷ mỹ kim cho lãnh vực từ thiện và có tất cả 1.8 triệu tổ chức đã được chấp nhận được miễn phí trong năm 2007. Mỗi năm có từ 75,000 đến 100,000 tổ chức XHDS nộp đơn đăng ký tại Hoa Kỳ.[7]

Nhu cầu đa diện của môt quốc gia chứng nhận là chánh quyền không thể nào tự giải quyết nhiều vấn đề về chánh trị, kinh tế hay xã hội. Vì vậy, tổ chức XHDS bổ sung chớ không nhằm thay thế guồng máy nhà nước. Họ chỉ lấy công của dân làm căn bản giúp cho chánh quyền. Theo LS Đoàn Thanh Liêm, những tổ chức XHDS đóng hai vai trò: vừa là đối tác (counterpart), vừa là đối trọng (counterbalance). [8]

Cụ thể như các hội Hồng Thập Tự luôn hợp tác với nhà nước để chăm sóc cho các nạn nhân thiên tai, bão lụt. Còn các hội phụ huynh học sinh chẳng hạn, thì hỗ trợ nhà trường giúp mở mang trí tuệ và sức khỏe cho các con em. Vì thế mà các cơ quan thiện nguyện còn được chánh quyền tài trợ hay cấp thêm phương tiện để họ thực hiện nhiều chương trình công ích.

Còn các hội tôn giáo (faith-based initiatives) hay nhân quyền thì đóng vai trò đối trọng để bênh vực cho những nạn nhân chống bất công, tham nhũng, lạm dụng mà nhân viên chánh quyền gây ra. Giới truyền thông báo chí, đại học và những người có lý tưởng như giới trẻ và sinh viên dám can đảm đứng lên để thức tỉnh, cảnh giác, phê phán sai trái các nhân viên chánh quyền hay cơ quan doanh nghiệp tư nhân gây ra.

Nhờ có “kiểm soát để giữ sự quân bình” (checks & balance) của người dân, nên xã hội bớt được một phần nào sự nhũng lạm và thiệt thòi cho người dân. Đó là một nhu cầu chính đáng, vì người dân dự định, do người dân thực hiện và do đó người dân được hưởng thụ những lợi ích.

Những biện pháp giảm những khống chế, lạm quyền, thối nát, đem lại những thay đổi trong xã hội như tôn trọng quyền tối thiểu của công dân sống trong một quốc gia theo thể chế pháp trị. Từ đó những định hướng tự do cởi mở, bảo trọng quyền lợi cho công dân, tôn trọng nhân quyền và dân chủ từ lần từ hồi được phác họa. Những phong trào chống nô lệ, bênh vực quyền lợi phụ nữ và người da màu được quyền bỏ phiếu được đề cao và gia tăng.

Sau thế chiến thứ nhất, Liên Hiệp Quốc được thành lập để bàn luận về sự Giảm Quân Bị trên thế giới (World Disarmement). Năm 1950, LHQ mời 1,000 NGO đến tham dự và biểu quyết chấp nhận làm việc chung. Họ coi các hiệp hội tư nhân như là một khối tổ chức quốc tế “International NGO” phụ giúp họ thực hiện những chương trình tại các quốc gia trên thế giới. Vì thế mà các NGO càng nhận được nhiều nguồn tài trợ từ cá nhân, từ quỹ tài trợ các foundations, từ tổ chức tư nhân và thương mại, từ chánh phủ và từ các tổ chức quốc tế. [9]

Năm 1970, các quốc gia “giầu” cam kết trích ra 0.7% GNI (lợi tức quốc gia - gross national income) tặng cho NGO thực hiện chương trình của họ cho các quốc gia đang mở mang. Viện Đại học John Hopskins nghiên cứu trong các năm 2000-2002 đưa ra tổng số $1,300 tỉ mỹ kim (trillion) do 35 quốc gia chi phí cho 40,000 ngàn nhân viên quốc tế làm việc trong khu vực XHDS nầy.

Như thế thì XHDS có thể xếp vào hàng thứ 7 trong các nền kinh tế lớn nhất của thế giới ngày nay. Có thể coi XHDS là một khối thế lực thứ ba (Third Force) trên thế giới và trong guồng máy của nhiều quốc gia từ Đông Tây đến Âu Á. Quan hệ quốc tế và quốc gia trở thành quan hệ “mở” (open society) khai thông hai chiều trên nhiều lãnh vực và tập tục nếp sống cổ truyền của quốc gia vẫn được duy trì. Vì thế, nhiều dân tộc đa dạng, tuy khác biệt về ngôn ngữ và truyền thống, cũng sống chung với nhau và chia sẻ những giá trị và nếp sống trong xã hội cởi mở không biên giới như ngày hôm nay. [10]

Trong năm 2007, World Bank trích ra một tỷ mỹ kim tài trợ cho những chương trình cộng đồng. Carnegie Endowment for International Peace cho $20 tỷ trong năm 2007, còn Bill và Melinda Gates tặng $38 triệu cộng với $30 triệu của ông Warren Buffet để chích ngừa cho 200 triệu trẻ em cũng như tài trợ cho nhiều chương trình giáo dục và xã hội khác. Vậy thế kỷ XXI là thế kỷ của bất vụ lợi (the Century of Non-Profit).

Các nguyên nhân nào đem đến sự đột phá của xã hội mới mẻ nầy (The New Social Movement)? Trưóc hết là vấn đề tài nguyên. Các chánh phủ ở Tây Âu kể cả Mỹ không đủ ngân sách để trang trải mọi dịch vụ cho người dân, đặc biệt trong những năm 1970, giá dầu hỏa từ Trung Đông tăng cao làm lợi tức thu nhập quốc gia giảm nhiều. Do đó, các cơ quan tư nhân giúp đảm trách vai trò mà nhà nước không thể phụ trách hết về phương diện giáo dục, văn hóa và xã hội.

Hai nữa, quần chúng ở các nước Âu Mỹ kết hợp thành phong trào chống chiến tranh hạt nhân, chống phá hoại môi sinh, chống đàn áp nhân quyền. Nhờ sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật và lãnh vực truyền thông nên sự liên đới quốc tế được kết hợp với tính cách toàn cầu và được phổ biến mau lẹ và liên tục.

Ba nữa là trong thời kỳ Cộng sản tại Liên Sô và các nước Đông Âu bị suy thoái, và sau bức tường Bá Linh sụp đổ năm 1989, công cuộc phục hồi XHDS được tiến hành mau lẹ dành cho người dân cái quyền tự mình làm chủ vận mệnh. Quá trình chuyển tiếp dân chủ (Democratic transition) nầy đang diễn ra tại tất cả các quốc gia cựu Cộng sản, trừ Cuba, Bắc Hàn, Trung Quốc và Việt Nam. Nhưng kinh nghiệm cho thấy rõ sự thay đổi là một quá trình không thế nào đảo ngược được nữa (irreversible process).

Chót nữa thì tổ chức XHDS còn thu hút nhiều tài năng trí tuệ xuất sắc, cho nên hoạt động của họ có năng xuất và hiệu quả rất cao. Do đầu óc sáng tạo, lòng nhiệt tâm, sự hy sinh cho lý tưởng, phương thức ôn hòa bất bạo động, và hành động thiết thực nên những nhân viên phục vụ cho dân chúng gặt hái thành quả tốt đẹp.

Hơn nữa, tính chất đa năng và đa nguyên của XHDS ở Hoa Kỳ và các nước mở mang còn ảnh hưởng đến chính sách đối nội và đối ngoại, sự phát huy đời sống toàn diện của người dân từ kinh tế, xã hội, văn hóa và tôn giáo. Nó cũng bảo trọng nền dân chủ hữu hiệu từ hạ tầng cơ sở như làng, xã, quận đến tỉnh và thành thị lên đến thượng tầng cơ sở của chánh quyền như lập pháp, hành pháp và tư pháp. Đó là hiện tượng thay đổi từ dưới lên trên, từ lòng dân lên đến chánh quyền, khác với những quốc gia chuyên chế, độc tài kiểm soát quyền hành từ trên xuống dưới.

Sự ảnh hưởng của XHDS rất quan trọng đến chánh quyền. Nhân dịp viếng thăm Trung Quốc cuối tháng Năm năm 2010, Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton gặp các phụ nữ XHDS (Chinese Women Civil Society) tại Bắc Kinh (Beijing). Họ chia sẻ những vấn đề khó xử như tham nhũng, bạo hành gia đình, đàn áp, hãm hiếp, quyền phụ nữ và nhân quyền. Kết luận tất cả đồng ý là cần có sư đồng tâm và ưng thuận của các đấng nam nhi và chánh quyền mới có thể giải quyết và thay đổi được những tình trạng nêu trên. [11]

Xã Hội Dân Sự tại Việt Nam

Sau khi thống nhứt đất nước thành một quốc gia không còn chia đôi như trong năm 1975, Việt Nam đã trải qua nhiều thời kỳ thử thách, từ sự trừng phạt bỏ tù cả trăm ngàn người miền Nam cùng máu mủ, còn gây chiến với Cam Bốt, rồi cuộc chiến với đàn anh Trung Cộng. Việt Nam trở thành một trong những nước nghèo nhất đứng thứ tư trên thế giới với lợi tức đầu người thấp $200 một năm cho đến thập niên 1990.

Nhờ noi gương đổi mới của hai đàn anh Nga Sô và Trung Cộng nên sau đó Việt Nam đã bắt tay liên hệ với kẻ thù “đế quốc Mỹ” năm 1995 và tiếp nhận nền kinh tế thị trường cởi mở theo tư bản. Từ năm 2000 trở lên, nền kinh tế Việt Nam đã được chấp nhận trên sân chơi quốc tế và phát triển trên phương diện kinh tế lẫn xã hội với những đầu tư đáng kể từ các nước phương tây. Những tiếp xúc với bên ngoài về tài chánh, luật lệ, các ngành chuyên môn kỹ thuật với những tư tưởng dân chủ đã làm thay đổi tầm nhìn và triển vọng, chẳng những của cấp lãnh đạo nhà cầm quyền Cộng sản, mà còn đến đa số người dân trong nước.

Từ đó, mức độ phát triển kinh tế gia tăng và vượt lên đến 6.2 % trong năm 2008, hơn các quốc gia lân cận tại Đông Nam Á, với lợi tức đầu người $1,000 mỗi năm. Tuy vậy, sự kềm kẹp về tư tưởng và chương trình hoạt động của người dân vẫn bị Bộ Chính Trị Hà Nội kiểm soát chặt chẽ. Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt nam lập ra nhiều tổ chức tập đoàn của họ để “nâng cao danh nghĩa dân chủ của dân, do dân và vì dân.”

Hội đoàn lớn nhứt về quần chúng của chế độ là Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam (Mặt Trận) đưa ra chánh sách liên minh và liên kết với các tổ chức hội đoàn chịu sự kiểm soát của họ, được coi như là tổ chức “XHDS”. Mặt trận phê chuẩn các ứng cử viên vào danh sách ứng cử và đảm nhiệm luôn việc giám sát tất cả các cuộc bầu cữ. [12]

Các tổ chức ngoại vi nầy đươc thành lập bởi Bộ Chính trị gồm đảng viên Đảng cộng sản VN. 44 thành viên “XHDS” của Mặt Trận là Đảng Cộng sản VN, Tổng liên đoàn lao động, Hội nông dân, Đoàn thanh niên cộng sản HCM, Hội liên hiệp phụ nữ VN, Hội cựu chiến binh, Liên hội khoa học kỹ thuật, Hội chữ thập đỏ, Phòng thương mại và công nghiệp, Hội Phật Giáo, Ủy ban đoàn kết Công giáo, Tổng hội thánh Tin lành, Hội nhà báo, Hội liên lạc người VN ở nước ngoài, Hội luật gia cho đến Hội làm vườn…

Đảng Cộng sản VN có 3 triệu đảng viên, chiếm 3% dân số, chỉ thị cho các tổ chức “XHDS” của họ phải tuân theo để quản trị họ. Đặc biệt trong Mặt Trận có Hội liên hiệp phụ nữ (VN Women’s Union), một tổ chức chính trị theo họ gồm 1.5 triệu hội viên có nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng và xây dựng gia đình bảo vệ xã hội chủ nghĩa VN.

Trang nhà của Hội phụ nữ xác nhận là 70% hội viên được tuyên truyền, phổ biến về chủ trương của Đảng và 100% Chủ Tịch và Phó CT Hội đạt tiêu chuẩn chức danh cán bộ, công chức theo quy định. Vậy thì các thành viên phải vào đảng CS mới trở thành công chức và được làm việc an toàn. Họ phải tuân lệnh do đảng chỉ thị. Hội cũng đưa ra con số là 70% phụ nữ nghèo đươc Hội giúp “xoá đói giảm nghèo”. Vậy tại sao cơ quan quốc tế UNDP (Development Programme) điều tra và báo cáo là “nhóm 20% những người giàu nhất ở Việt nam hiện đang hưởng tới 40% lợi ích từ các chính sách an sinh xã hội của nhà nước; trong khi nhóm 20% những người nghèo nhất chỉ nhận được 7% lợi ích từ nguồn nầy.” [13]

Như thế ta thấy rõ Đảng Cộng sản đứng ra tổ chức, điều động, bao trùm và lũng đoạn tất cả các sinh hoạt của lãnh vực XHDS chứ không có giới hạn trong phạm vi chánh quyền hay lãnh vực kinh tế mà thôi. Do đó XHDS bị “chánh trị hóa”, bị cai trị chuyên chế, bị công lực và công quyền đàn áp, kềm kẹp. Quyền lực nằm trọn trong tay đảng tức là “đảng sự” chớ không phải trong tay của nhân dân tức “dân sự”. Thật ra thì các XHDS như thế được gọi là GONGO (Government organized NGO) chớ không phải là NGO (non-government organization).

Theo Điều 9 Hiến pháp (1992) quy định thì có đoạn như sau: “Nhà nước chăm lo và bảo vệ lợi ích chính đáng của nhân dân, động viên nhân dân thực hiện quyền làm chủ, nghiêm chỉnh thi hành Hiến pháp và pháp luật, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, đại biểu dân cử và cán bộ, viên chức nhà nước.” Những từ ngữ dân chủ mĩ miều nầy có được nhà nước áp dụng trung thực hay không?

Ngoài ra, ngày 26-3-2004, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 36 về kế hoạch toàn diện nhằm vận động ba triệu người Việt ở nước ngoài “thành một bộ phận không thể tách rời của cộng đồng dân tộc.” Còn ở bên nhà thì nhà nước thẳng tay đàn áp những cá nhân hay tổ chức tranh đấu cho dân chủ và nhân quyền. Vậy thì lối thoát của sự bế tắc hiện nay như thế nào? [14]

GS Carl Thayer, nhà nghiên cứu về Việt nam thuộc Đại học New South Wales ở Sydney, Úc, trả lời phỏng vấn của đài BBC tháng 8 năm 2008 như sau: “Ở Việt Nam, những nhóm đang đòi hỏi có XHDS tức đòi chính quyền phải thực thi chính luật pháp của mình, qua đó công nhận có quyền lập hội, tụ tập, biểu tình, tự do tôn giáo. Những quyền nầy không được thực thi vì nhà chức trách luôn tìm lý do để ngăn cản, thí dụ lấy lý do gây rối an ninh trật tự để ngăn không cho biểu tình.”

Ông nói tiếp:”Những nhóm dân sự này gia tăng về con số và bắt đầu liên kết thành những mạng lưới. Như vậy mạng lưới đang ngày càng phát triển và tôi nghĩ rồi sẽ đến lúc các nhóm riêng lẻ không những thành lập phong trào mà còn gây sức ép nhiều lần để nhà nước thực thi luật pháp theo các tiêu chuẩn quốc tế mà Việt Nam đã cam kết.” Ông Thayer kết luận:”Có một điểm chung là những tiếng nói XHDS nầy được lắng nghe và tìm cách đưa vào trong guồng máy. Kịch bản khả dĩ nhất theo tôi là cuối cùng họ sẽ được phép nắm giữ những ghế trong quốc hội.”

Theo TS Hồ Bá Thâm thì “hiện nay có 320 hội hoạt động trong phạm vi toàn quốc ở Việt nam và hơn 2,150 hội hoạt động trong phạm vi vi tính, thành phố trực thuộc Trung ương cũng có hàng ngàn hội ở các cơ sở.” Ông viết tiếp: “Các hội cũng rất đa dạng: có hội do tổ chức thành lập, có hội do cá nhân, doanh nghiệp, có hội có cơ cấu chặt chẽ nhưng có hội lại lỏng lẻo. Trung bình mỗi người là thành viên của 2.33 tổ chức, cao hơn nhiều nếu so với những nước trong khu vực châu Á, như Trung Quốc (0.39) và Singapore (0.86). Theo khảo sát nầy, tỷ lệ những người thuộc ít nhất một tổ chức là 73.5%, một tỷ lệ tương đối cao.” [15]

Ngoài các hội hoạt động trong nước thì có những NGO đáng kể của người Việt đảm trách từ nước ngoài về Việt nam đầu tư, kinh doanh, hợp tác khoa học, hoạt động nghề nghiệp, định cư lâu dài và cứu trợ. Vai trò của những tổ chức cộng đồng hải ngoại là lực lượng đóng góp chất xám, có tài chánh dồi dào, có kỹ thuật cao, có kiến thức chuyên nghiệp, và có cả tấm lòng giúp cải thiện đời sống gia đình, bà con và bạn bè tại quê nhà.

Trước tình cảnh tụt hậu ở Việt nam, ba triệu người Việt nam sống tại hải ngoại được chế độ gọi là “Việt Kiều”, là một nguồn tài trợ quan trọng gởi về cho gia đình bên Việt nam, chánh thức hay bán chánh thức một ngân khoản gần 8 tỷ mỹ kim trong năm 2008. Ít nhất 50 phần trăm là phần đóng góp của cộng đồng tại Hoa Kỳ. Hơn nữa, có lối bốn trăm ngàn người Việt đi du lịch đem tiền về Việt nam tiêu xài hay làm công tác từ thiện. [16]

TS Nguyễn Quang A viết trong tờ Lao Động Cuối Tuần 2009: “XHDS đâu có đáng sợ. Hơn hai mươi năm trở về truớc ít người dám nói đến cơ chế thị trường, đến khu vực kinh tế tư nhân: những điều cấm kỵ và đáng sợ. Rồi người ta hiểu dần, chấp nhận và ngày nay chúng không những không đáng sợ mà còn được coi trọng…” [17]

Ông viết tiếp: “Ranh giới giữa các tổ chức (nhà nước, XHDS, khu vực kinh tế) không hoàn toàn rạch ròi, mà có thể có sự chồng lấn. Có những cơ quan nhà nước làm việc tắc trách, có các doanh nghiệp gian lận. Cũng thế, có các tổ chức XHDS nói một đằng làm một nẻo. Phải có khung pháp lý để cho mọi loại tổ chức hoạt động, để buộc tất cả chúng phải minh bạch, phải có trách nhiệm giải trình với những người mà chúng được cho là đại diện, với những người cấp tài chính và với xã hội nói chung, để có cơ chế văn minh cho các tương tác, cho sự hợp tác và giải quyết xung đột giữa chúng. Nhìn vấn đề như thế thì XHDS đâu có đáng sợ mà là một nhân tố quan trọng cho sự phát triển của đất nước.”

Điển hình, GS Lê Xuân Khoa, nguyên Giám Đốc điều hành của cơ quan SEARAC, là người Việt tiên phong được Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ tài trợ những chương trình huấn luyện nghề nghiệp và giáo dục tại Việt nam trong cuối thập niên 1990. Năm 2004, ông đã tập hợp lại hơn ba mươi hội thiện nguyện tại Hoa kỳ gọi là Vietnamese American NGO hay VA-NGO và thành lập một mạng lưới các hội phi chánh phủ của người Mỹ gốc Việt. [18]

Họ chánh thức ghi danh với Ủy Ban Điều Phối Viện Trợ nhân dân (PACCOM) được nhà nước chánh thức công nhận giúp đỡ giải quyết các vấn đề thủ tục hành chánh và pháp lý tại Việt nam. Họ cũng nhận được sự tài trợ của các cơ quan Ford Foundation, Asia Foundation, USAID và các cộng đồng dòng chính cũng như cộng đồng người Mỹ gốc Việt.

Trong mạng lưới VA-NGO, Pacific Links do Cô Diệp Vương làm Chủ tịch, là người đầu tiên đặt trụ sở tại Hậu Giang để dạy nghề cho các em gái và phụ nữ trong làng, để ngăn ngừa họ bị dụ dỗ qua biên giới Cao Miên làm nghề mại dâm. Tuy vậy, có gần 30,000 cô gái và 5,000 trẻ em Việt từ 7 tuổi trở lên đã là nạn nhân nạn buôn người ở xứ chùa tháp nầy rồi.

Đặc biệt hơn hết, trong năm 2000, TS Phùng Liên Đoàn, Chủ Tịch Quỹ Khuyến Khích Tự Lập, và phu nhân là Bà Đoàn Thu Lê, bỏ tiền túi $750,000 mỹ kim tài trợ một quỹ cho vay tiểu thương (micro-loans) từ $150 đến $350 cho 7,400 gia đình tại nông thôn miền Trung để họ có vốn làm ăn. Họ mượn tiền để chăn nuôi heo hay gà, hay mở tiệm bán gạo hay đồ dùng trước cửa nhà họ. [19]

Họ vay từ một đến hai năm và trả hàng tháng một chút tiền vốn lẫn mười phần trăm tiền lãi cho đến khi nào hết nợ, rồi số tiền đó được cho người khác vay. Chương trình đạt 98 phần trăm kết quả mỹ mãn cho nên Liên Hiệp Quốc (UN-Habitat) tặng bằng tưởng thưởng cho Hội Khuyến Khích Tự Lập như là một XHDS có “Sáng Kiến” (Innovation Award). Sự hợp tác của cộng đồng hải ngoại và người dân trong nước rất thuận lợi cho dân nghèo giúp họ phát triển.

Ngoài việc viện trợ mỗi năm một số tài chánh khổng lồ do các cá nhân gởi về cho gia đình mình để phụ họ làm ăn sinh sống và để nâng cao đời sống, thì cộng đồng hải ngoại còn là một lực lượng “đối lập” đáng kể. Với sức mạnh lá phiếu của cộng đồng đối với chánh quyền và quốc hội trong các quốc gia họ đang cư ngụ, cộng đồng hải ngoại có tiếng nói lớn mạnh và có thể vận động thay đổi chánh sách của chánh quyền sở tại với Việt nam.

Một số người trong cộng đồng thì hô hào chống chế độ độc tài Cộng sản và đòi hỏi chuyển hóa hay thay đổi chế độ. Họ xuống đường biểu tình rầm rộ. Một số khác thì nghiên cứu (think tank) những chiến lược để diễn tiến đến dân chủ và phát triển. Còn một số khác có khả năng vận động hành lang chánh quyền và quốc hội cũng như giới trí thức cộng đồng người Mỹ gốc Á và các tòa Đại sứ các nước ASEAN. Nếu đẩy mạnh nhiều hơn thì những cuộc vận động nầy có thể thành công, nhứt là đang có sự tranh chấp chủ quyền lãnh hải Biển Đông để mong Việt nam thoát ra khỏi sự lệ thuộc vào Trung Quốc .

Tuy vậy, cộng đồng hải ngoại nhận thấy còn có những trở ngại về tâm lý và chánh trị chưa được thông qua giữa cộng đồng hải ngoại và nhà nước. GS Khoa nói: “Họ trông chờ những lời nói và hành động hòa giải cụ thể của những người lãnh đạo trong nước thay vì những lời kêu gọi xóa bỏ hận thù của kẻ thắng đối với người thua.”

Ông nói tiếp “Nếu nhà nước cứ tiếp tục nghi ngờ và ngăn cấm sự hợp tác chính đáng và hòa bình của người Việt trong và ngoài nước thì sẽ không khỏi bị cộng đồng quốc tế lên án và sẽ không tránh khỏi sự chống đối quyết liệt của các tầng lớp nhân dân có thễ đến bạo động. Đến lúc nhu cầu chuyển hóa chế độ độc tài sang dân chủ để đất nước có thể tồn tại và phát triển trong khung cảnh hội nhập toàn cầu.”

Trong lúc đảng CS và nhà nước làm chậm lại tiến trình dân chủ hóa để điều chỉnh có lợi cho họ thì phe dân chủ và cộng đồng hải ngoại thúc đẩy để tiến cho mau hơn. Ông Soros, một mạnh thường quân giàu có với tài sản $11 tỷ nhờ kinh doanh trên thị trường chứng khoán, đã dùng những biện pháp “xây dựng xã hội từng mảnh một” (piecemeal social engineering) để xây dựng Xã Hội Mở (open society) và phục hồi chế độ dân chủ ở các nước cựu Cộng sản tại Đông Âu.

Với tầm nhìn toàn cầu (global vision) và tinh thần cầu tiến, Ông đã chi $6 tỷ mỹ kim cho các dự án khắp thế giới như giúp phong trào Đoàn Kết tại Balan, nhóm hiến chương 77 tại Tiệp Khắc, nhà bác học đối kháng Liên Sô Andrei Sakkarov, giúp việc phổ biến thông tin tại những quốc gia trong khối Cộng sản, chương trình cho đài phát thanh tại Mông Cổ, hay cứu trợ nạn nhân trong cuộc chiến ở Bosnia, và cuộc động đất ở Haiti. Ông cũng bỏ ra $15 triệu trong năm 2004 để hạ bệ Tổng Thống George Bush cha.

Ông Soros được mệnh danh là nhân vật tiên phong của phong trào kiến tạo một Xã hội Mở trên quy mô toàn cầu và tiêu biểu như kiến trúc sư của XHDS Toàn cầu (an architect of the Global Civil Society) đang nỗ lực phát động “Phong trào Xã hội Mới” (The New Social Movement).

Mặt khác thì GS Đoàn Viết Hoạt có một lộ trình toàn diện để chuyển hóa dân chủ, đặc biệt tại Việt nam: “Lộ trình dân chủ hóa có hai mục tiêu: 1) tạo môi trường và điều kiện xã hội chín muồi cho việc ra đời XHDS ngay trong lòng xã hội hiện nay ở trong nước và vượt khỏi sự ngăn chặn của giới cầm quyền; 2) chuyển hóa toàn diện xã hội không giới hạn trên mọi lãnh vực hoạt động của người dân và đẩy mạnh cuộc vận động đòi dân chủ hóa chính quyền, nương vào sức mạnh của XHDS, vào tình trạng “không thể không” do sức ép nội tại tạo ra.” [20]

Tóm lại, dù giới lãnh đạo Cộng sản có tìm cách kềm hãm, cản trở đến mấy đi nữa, thì tại Việt nam hiện nay, ý thức của người dân đã mỗi ngày một lên cao. Nhất là giới trẻ, họ tiếp thu được kinh nghiệm phát triển của nhiều nơi trên thế giới, nên ta có thể nhận ra là XHDS hiện đang có những tiềm lực phong phú vĩ đại. Thời cơ rất thuận lợi để có thể phát triển mạnh mẽ hầu góp phần xây dựng một thể chế dân chủ, nhân bản và nhân ái, đáp ứng được niềm mong ước chính đáng của toàn thể gần 90 triệu đồng bào Việt nam thân yêu của chúng ta. Đạt đến mục tiêu “từng phần” hay “toàn diện” còn tùy thuộc ý Dân và ý Trời trong một thời điểm chín muồi thuận lợi.

Tài Liệu Tham Khảo

[1] www.viet-studies.info/kinhte/tranhưuquang_xahoidansu.htm

[2] Louis-Juste Anil.2006. “La société civile hier et aujourd’hui”, in Alter Presse, 12-1-2006, www.aterpresse.org.

[3] “What is civil society?”. Centre for Civil Society, London School of Economics (1 tháng 3 năm 2004). Truy cập 30 tháng 10 năm 2006.

[4] Global Civil Society (PCDF) www.pcdf.org/civil society/default.htm

[5] http://en.wikipedia.org/wiki/non-governmental_organization

[6] www.aarp.org

[7] http://foundationcenter.org

[8] Đoàn Thanh Liêm. http://haydanhthoigian.wordpress.com. 1/7/2010

[9] UN Relations with Civil Society (NGOs) http://www.un.org/issues/ngo/ngoindex.html

[10] Florini Ann.The Third Force: The Rise of Transnational Civil Society. Carnegie Endownment for the Peace and Japan Center, 2001

[11] www.state.gov/secretary/rm/2010/05/14288.htm

[12] www.mattran.org.vn/home/tinhoatdong/tinhoatdong.htm

[13] www.hoilhpn.org.vn/newsdetail.asp?Catld=2&newsld=5&lang=vn

[14] www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/story/2008/08/080830_lnvcarlthayer.html

[15] Ts.Hồ Bá Thâm - Viện Nghiên Cứu Phát Triển tp.hcm, Xã Hội Dân Sự, Đặc thù và Vấn Đề ở Việtnam (I&underline)

[16] http:// Diaspora Journey: Vietnam: remittances from Abroad

[17] http://www.laodong.com,vn/Home/Xa-hoi-dan-su-dau-co-dang-so/20094/133512.laodong

[18] www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=37114&z=85 december 16, 2005

[19] www.fesr.org

[20] http://www.vdlc.org/mode/81

© 2024 Jackie Bong Wright. Designed and Developed by Đỗ Mạnh Hùng.